Lúc 13h30 ngày 19/8, tâm bão số 3 đã nằm trên đất liền giữa Hải Phòng và Thái Bình. Thời điểm hơn 15h, nhiều tỉnh thành trong vùng ảnh hưởng bão đang có mưa to đến rất to, kèm gió mạnh. Tại Hà Nội đã có cây to bật gốc gây thiệt hại lớn về tài sản.
15h46, Hà Nội đang mưa rất to, một số tuyến đường ngập nhẹ, giao thông khó khăn. Các phương tiện lưu thông phải bật đèn do trời u ám. Trên các tuyến phố nhiều cây xanh gãy đổ.
Cây cổ thụ đổ đè ô tô trên phố Hai Bà Trưng đã được dọn sạch.
Một cây nhỏ đổ trên đường Nguyễn Trãi.
Khơi thông cống ở các điểm ngập tại Hà Nội.
15h15, Hà Nội mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh, đặc biệt là dưới chân các tòa nhà cao tầng. Trên nhiều tuyến đường bắt đầu có tình trạng ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông.
Mưa lớn nhiều tuyến phố bắt đầu sũng nước
Gió thổi đổ hàng loạt xe máy dưới chân tòa nhà cao tầng
Cây xanh trong Công viên Thống Nhất bị đổ hàng loạt
Công nhân thu dọn cây xanh bị độ trong công viên (Ảnh: Quang Phong)
14h50, gió bão tại Ninh Bình cấp 6 cấp 7, mưa dần nặng hạt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - cho biết, lúc 13h30 ngày 19/8, tâm bão số 3 đã nằm trên đất liền giữa Hải Phòng và Thái Bình. Bão đang ở sâu trong đồng bằng trung du Bắc Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Khu vực Hà Nội cũng đã có gió cấp 6-7, mưa lớn. Bão số 3 còn ảnh hưởng đến khu vực nói trên cho đến đêm nay và suy yếu dần.
Lúc 14h30, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 14h ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 nằm trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Hồi 14h, bão đã vào đất liền.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m.
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
14h26, tại Hải Phòng gió càng lúc càng mạnh, sóng biển lớn đánh mạnh vào bờ kè. Người dân đã chằng chống nhà cửa cẩn thận chờ bão về. Ngoài đường khu vực ven biển vắng tanh hiếm người đi lại.
Tại Nam Định thời điểm này mưa tạm ngớt nhưng gió rất lớn.
Gió bắt đầu tăng cường độ ở Nam Định.
Người dân Nam Định chằng chống nhà cửa chống bão. (Ảnh: Đức Văn)
Hà Nội mưa to và gió mạnh dần lên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát đê Bình Minh tại Ninh Bình trước giờ bão đổ bộ. (Video: Thái Bá)
14h, Hà Nội mưa ngày càng nặng hạt, giông lốc cũng bắt đầu mạnh dần lên. Nhiều tuyến đường bắt đầu ngập úng, giao thông ùn tắc, người và phương tiện di chuyển khó khăn.
Trước đó một vụ va chạm giữa 3 xe ô tô đã xảy ra trong hầm đường bộ Kim Liên, do ảnh hưởng của mưa bão. Cầu Nhật Tân có gió to khiến nhiều người đi xe máy bị ngã.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình... đều đang có mưa lớn. Mưa to kéo dài khiến bùn đất từ dự án ân golf FLC lại tràn xuống nhà dân, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nam Định bắt đầu xuất hiện gió mạnh. Tại các địa phương ven biển của Thanh Hóa thời điểm này chỉ có mưa nhỏ, gió nhẹ. Theo anh Nguyễn Văn Chúc, ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết, kinh nghiệm cho thấy, với tình hình này có thể bão sẽ không vào Thanh Hóa.
(Ảnh: Tiến Nguyên)
Cây to bật gốc đè bẹp một ô tô trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội lúc 12h hôm nay (Ảnh: Phi Nam)
13h, Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông; ngay trên ven bờ biển Nam Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Gió mạnh ở Quảng Ninh. (Ảnh: Hải Sâm)
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3 (Ảnh: NCHMF).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 17 km/h. Ở Bạch Long Vĩ tiếp tục có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 8.
Hồi 11h ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 17h ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 19/8, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 10-12.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất
Từ nay đến hết ngày 20/8, tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, sông Bằng, sông Hoàng Long ở mức báo động II; sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng ở mức báo động III; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II-III, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II; sông Cả, sông La lên mức báo động I.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Nguồn : dantri.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét